Flashcard là một trong những công cụ giúp cho học tập hiệu quả hơn, đặc biệt là ghi nhớ từ mới khi học ngoại ngữ. Mặc dù trên thị trường có nhiều loại Flashcard làm sẵn nhưng nên việc tự làm Flashcard cũng rất phổ biến bởi hiệu quả nó mang lại. Hãy cùng Blog tìm hiểu cách tự làm Flashcard ở nhà bằng bìa cứng nhé!
1. FLASHCARD LÀ GÌ?
Flashcard (hay thẻ ghi chú) thực chất là một thẻ ghi chú với 2 mặt. Khi học ngoại ngữ, một mặt được sử dụng để viết từ hoặc câu mới và mặt còn lại viết ý nghĩa. Bạn có thể học từ mới và kiểm tra xem câu trả lời của mình có đúng không bằng cách lật thẻ.
2. CÁCH LÀM FLASHCARD TỪ BÌA CỨNG
Ngoài việc giá thành rẻ hơn thẻ làm sẵn, tự làm, tự viết flashcard cũng sẽ khiến não bộ một lần nữa sao chép lại từ mới trong đầu giúp ghi nhớ hiệu quả hơn.
Nguyên liệu làm flashcard:
- Bìa cứng: loại bìa hay được sử dụng nhiều nhất là Bìa Duplex đóng chứng từ A4 định lượng 220-250-400 (gsm) có đặc điểm cứng, độ bóng mịn cao, bám mức tốt, không bị quăn khi sử dụng, nếu giấy bị bẩn thì có thể dùng khăn lau sẽ sạch.
- Đục lỗ: trên thị trường có rất nhiều loại đục lỗ với các size khác nhau (15-20-35-50-75 tờ). Tùy vào nhu cầu muốn đục bao nhiêu tờ/lần của bạn mà lựa chọn loại đục lỗ phù hợp.
- Kéo cắt giấy/dao dọc giấy, thước, bút chì
- Móc tròn
Các bước thực hiện:
- Đo kích thước của bìa cứng, chia thành các hình chữ nhật có kích thước 7cmx4cm (đây là kích thước phổ biến của 1 thẻ flashcard, bạn có thể chia to hoặc nhỏ hơn tùy vào sở thích và nhu cầu sử dụng)
- Dùng bút chì và thước đánh dấu sau đó dùng kéo/dao để cắt flashcard
- Đục lỗ trên góc trái mỗi tờ bìa và cố định lại thành tập flashcard bằng móc tròn
Bạn cũng có thể thay bìa trắng thành bìa màu để phân biệt các chủ đề hay các môn học khác nhau. Cách làm tương tự với bìa trắng.
3. NHỮNG LỢI ÍCH VÀ LƯU Ý KHI DÙNG FLASHCARD
Lợi ích:
- Bằng cách lật thẻ nhiều lần, từ mới sẽ được ghi nhớ tốt hơn. Bạn có thể kiểm tra lại từ mới bằng cách nhìn vào từ và nhớ lại ý nghĩa ở mặt bên kia hoặc nhìn nghĩa đoán từ vựng.
- Thiết kế flashcard nhỏ gọn dễ mang theo nên bạn có thể mang theo và học ở bất cứ đâu.
- Bạn có thể tháo ra sắp xếp lại các từ đã học theo chủ đề, hoặc các từ hay đi với nhau để hệ thống lại vốn từ.
Lưu ý:
- Chỉ nên viết 1 từ/1 tờ để tránh bị lẫn các từ khác
- Thông tin trên flashcard được chọn lọc, tránh giải thích dài dòng
- Có thể sử dụng màu sắc hoặc hình ảnh thay vì chữ viết để nhớ lâu hơn
Chỉ bằng vài bước đơn giản, bạn đã có thể tự làm Flashcard tại nhà được rồi. Chúc các bạn thành công!