Giáo dục trẻ là một quá trình tưởng chừng như đơn giản nhưng lại cực kỳ phức tạp bởi cách ứng xử của bố mẹ rất quan trọng đối với sự phát triển xã hội và cảm xúc của trẻ sau này. Hãy cùng Blog tìm hiểu về vấn đề phụ huynh cần làm gì khi trẻ mắc lỗi nhé!
Sai lầm là điều không thể tránh khỏi đối với cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, khi chúng xảy ra, dù tình cờ hay có chủ đích, cách chúng ta phản ứng sẽ tạo nên sự khác biệt.
Tùy thuộc vào tình huống và hoàn cảnh, một số cha mẹ phản ứng với sự thất bại của con mình bằng cách an ủi chúng. Trong một số trường hợp khác, cha mẹ có thể trở nên tức giận với con mình hoặc tức giận với bất kỳ ai mà họ có thể đổ lỗi cho sự sai lầm như thầy cô, sự chiều chuộng của ông bà,…
Bất kể phản ứng của bạn là gì, nó đều sẽ ảnh hưởng đến trẻ.
Vậy thì phụ huynh cần phải làm gì vào thời điểm này?
1. Bình tĩnh xem xét đây là sai lầm có chủ ý hay vô tình
Có phải bạn thường tức giận khi con làm đổ đồ uống ra sàn nhà, hay khi con làm bẩn quần áo, vẽ lên tường?
Nhưng hãy tự hỏi liệu sai lầm có phải là một tai nạn hay không – thường thì câu trả lời là có. Hiếm khi trẻ có chủ ý phạm lỗi mà chúng chỉ đơn giản đang khám phá xung quanh.
2. Đưa ra hướng dẫn, gợi ý
Mọi người đều mắc sai lầm, kể cả chúng ta. Trong trường hợp này, thay vì tức giận, quát mắng, hãy giải thích cho trẻ và hướng dẫn con cách khắc phục.
Thay vì hét lên vào mặt con ra lệnh như “Đứng lên, đi rửa tay”, “Cấm nghịch”,”Không được…”
-> Hãy nói với con rằng “Tại sao con không đứng lên và đi rửa tay nhỉ?”, “Mẹ nghĩ có lẽ con nên…”
Bạn không cần thiết phải cáu kỉnh trong khi dọn dẹp chiến trường một mình, hãy vui vẻ khắc phục cùng với con để con biết làm như vậy là sai và cần phải làm gì để sửa chữa lỗi sai.
Nếu bạn tức giận với những đứa trẻ nhạy cảm, chúng có thể sinh ra cảm giác muốn đối nghịch làm ngược lại tất cả những gì bạn yêu cầu.
3. Không nên phạt trẻ ở nơi đông người và trước mặt anh chị em của chúng
Phạt trẻ ở nơi đông người hoặc trước mặt anh chị em của chúng sẽ khiến trẻ sinh ra cảm giác tự ti, mặc cảm, xấu hổ.
Hãy đưa trẻ vào phòng, để con suy ngẫm về hạnh động của mình 5 phút trước khi trò chuyện, đó cũng là thời gian để bạn tự điều chỉnh cảm xúc của bản thân.
Khi trẻ gây gổ với nhau, đừng chỉ phạt một mình anh lớn hãy em bé nhỏ. Điều đó chỉ khiến chúng cảm thấy bạn đang thiên vị và tại sao chỉ có mình nó bị phạt? Hãy đưa trẻ ra những góc riêng, giải thích cho chúng biết lỗi sai và bạn có thể kết thúc bằng một cái ôm giảng hòa giữa hai anh em.
4. Hãy nói lời cảm ơn khi con nhận lỗi
Khi con bạn thừa nhận mình mắc lỗi, hãy cảm ơn con vì đã dũng cảm nói ra lời xin lỗi thay vì giấu diếm hay đổ lỗi cho người khác.
Như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy có thể nói với bạn bất cứ điều gì, ngay cả khi gặp khó khăn hoặc cần giúp đỡ. Xây dựng giao tiếp cởi mở dựa trên sự trung thực và tình yêu thương vô điều kiện
Nếu sự việc đã kết thúc, hãy để trẻ trở lại bình thường thay vì cứ nhắc đi nhắc lại suốt cả ngày hôm đó. Hãy coi sai lầm là khoảnh khắc để bé học hỏi thêm điều mới.
Hãy trở thành những người bạn của con trong suốt quá trình con trưởng thành. Hiểu con và cũng để con có thể phát triển một cách tốt nhất.