Giáo dục là quyền của con người, là công ích và là trách nhiệm của công chúng. Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố ngày 24 tháng 1 là Ngày quốc tế giáo dục, nhằm tôn vinh vai trò của giáo dục đối với hòa bình và phát triển.
Ngày quốc tế giáo dục – Khôi phục và củng cố giáo dục thời COVID-19
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Ngày Quốc tế Giáo dục chứng kiến sự gián đoạn học tập trên toàn cầu với quy mô và mức độ nghiêm trọng chưa từng có. Việc đóng cửa trường học và các cơ sở giáo dục, cũng như nhiều chương trình xóa mù chữ và học tập suốt đời bị gián đoạn đã ảnh hưởng đến cuộc sống của 1,6 tỷ học sinh tại hơn 190 quốc gia.
Năm mới là thời điểm chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác và đoàn kết quốc tế để lấy giáo dục và học tập suốt đời làm trung tâm của quá trình phục hồi và chuyển đổi nhằm hướng tới xây dựng xã hội hòa nhập, an toàn và bền vững hơn.
Nắm bắt tinh thần của Ngày Quốc tế Giáo dục, UNESCO và các đối tác đã tổ chức Ngày hội Learning Planet (tạm dịch: Hành tinh Học tập), tôn vinh việc học trong mọi bối cảnh và lan tỏa tinh thần đổi mới nhằm phát huy tiềm năng của mỗi người học dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Những người chiến thắng trong cuộc thi viết về “Le Petit Prince” (tạm dịch: Hoàng tử bé) sẽ được công bố trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Giáo dục.
Quyền được giáo dục là quyền cơ bản của con người
Quyền được giáo dục được ghi trong Điều 26 của bản Tuyên ngôn toàn thế giới về Quyền con người (UDHR). Lời tuyên bố đã kêu gọi cho một nền giáo dục tiểu học mang tính miễn phí và bắt buộc. Công ước về Quyền trẻ em được thông qua năm 1989 thậm chí còn quy định rằng các quốc gia phải làm cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận giáo dục đại học.
Giáo dục là chìa khóa để phát triển bền vững
Khi thông qua Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững vào tháng 9 năm 2015, cộng đồng quốc tế đã công nhận rằng giáo dục là nhân tố cần thiết cho sự thành công của 17 mục tiêu. Trong đó, Mục tiêu Phát triển Bền vững số 4 là “đảm bảo một nền giáo dục chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người” đến năm 2030.
Những thách thức để đạt được phổ cập giáo dục
Giáo dục mở ra một cánh cửa mới giúp trẻ em thoát khỏi đói nghèo và tiếp bước trên con đường hướng tới một tương lai đầy hứa hẹn.
Thế nhưng, khoảng 265 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trên khắp thế giới không có cơ hội đi học hoặc hoàn thành chương trình học; 617 triệu trẻ em và thanh thiếu niên mù chữ và không biết làm toán cơ bản; gần 40% bé gái ở khu vực châu Phi cận Sahara chỉ vừa hoàn thành chương trình trung học cơ sở và khoảng bốn triệu trẻ em và thanh niên tị nạn không được đến trường. Quyền giáo dục của các em đang bị vi phạm và điều này là không thể chấp nhận.
Nền giáo dục chất lượng, công bằng và toàn diện cũng như cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người là yếu tố tiên quyết để các quốc gia thành công trong công cuộc bình đẳng giới và xóa đói giảm nghèo cho hàng triệu trẻ em, thanh niên và người lớn đang bị bỏ lại đằng sau.
Có thể bạn quan tâm: