Khi công dân Việt Nam ra nước ngoài thường nghe nói đến việc cấp và sử dụng sổ thông hành. Vậy sổ thông hành là loại sổ gì? Được áp dụng trong trường hợp nào? Cách sử dụng sổ như thế nào? Hãy cùng Văn Phòng Xanh tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!!!
Sổ thông hành là gì?
Theo khoản 5 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, giấy thông hành ( sổ thông hành ) là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam để qua lại biên giới theo điều ước quốc tế giữa Việt Nam với nước có chung đường biên.
Theo điểm d khoản 1 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 , giấy thông hành được xem là 01 trong 04 loại giấy tờ xuất nhập cảnh hợp pháp mà công dân được phép sử dụng.
Thời hạn sử dụng của sổ thông hành?
Giấy thông hành cũng tương tự như hộ chiếu phổ thông được cấp theo thủ tục rút gọn là có thời hạn sử dụng không quá 12 tháng và không được phép gia hạn.
(Căn cứ khoản 3 Điều 7 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 )
Đối tượng được cấp sổ thông hành?
Cụ thể tại Điều 4 Nghị định 76/2020/NĐ-CP, các đối tượng được cấp giấy thông hành bao gồm:
(1) Đối tượng được cấp giấy thông hành biên giới Việt Nam – Campuchia gồm cán bộ, công chức, viên chức, công nhân đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh có chung đường biên giới với Campuchia được cử sang tỉnh biên giới đối diện của Campuchia công tác.
(2) Đối tượng được cấp giấy thông hành biên giới Việt Nam – Lào:
– Công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại tỉnh có chung đường biên giới với Lào;
– Công dân Việt Nam không có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh có chung đường biên giới với Lào nhưng làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh có chung đường biên giới với Lào.
(3) Đối tượng được cấp giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc:
– Công dân Việt Nam thường trú tại các xã, phường, thị trấn tiếp giáp đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc;
– Cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan nhà nước có trụ sở đóng tại huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh của Việt Nam tiếp giáp đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc được cử sang vùng biên giới đối diện của Trung Quốc để công tác.
Thủ tục làm sổ thông hành
Trình tự thực hiện thủ tục cấp giấy thông hành phải tuân theo quy định tại Điều 8 Nghị định 76/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Người đề nghị cấp giấy thông hành nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 76/2020/NĐ-CP.
– Khi nộp hồ sơ, người đề nghị phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân còn giá trị sử dụng để đối chiếu.
– Trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được ủy quyền nộp hồ sơ và nhận kết quả thì người được cử đi nộp hồ sơ xuất trình giấy giới thiệu, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân còn giá trị sử dụng của bản thân và của người ủy quyền để kiểm tra, đối chiếu.
– Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định Bộ luật Dân sự 2015, người chưa đủ 14 tuổi thông qua người đại diện theo pháp luật của mình làm thủ tục.
– Người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy thông hành; kiểm tra, đối chiếu; thu lệ phí và cấp giấy hẹn trả kết quả.
– Người đề nghị cấp giấy thông hành phải nộp lệ phí; nếu có yêu cầu nhận kết quả tại địa điểm khác với cơ quan quy định tại Điều 7 Nghị định 76/2020/NĐ-CP thì phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
Cách sử dụng sổ thông hành
Công dân Việt Nam có thể sử dụng giấy thông hành đi Trung Quốc thay cho visa thông thường tại 2 tỉnh là Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và tỉnh Vân Nam, cụ thể:
- Thành phố Đông Hưng (Quảng Tây): tiếp giáp cửa khẩu Móng Cái tại tỉnh Quảng Ninh.
- Thành phố Hà Khẩu (Vân Nam): tiếp giáp với cửa khẩu Lào Cai.
Lưu ý:
- Hiện tại giấy thông hành đi Trung Quốc nhập cảnh từ cửa khẩu Móng Cái chỉ cấp cho công dân có hộ khẩu thường trú tại Quảng Ninh.
- Bạn chỉ được tự do đi lại tại Trung Quốc từ 9h00 sáng – về trước 21h00 giờ tối.
- Giấy thông hành chỉ đi và về tại 1 cửa khẩu duy nhất. Nếu có việc gấp không đi máy bay được hoặc về nhầm cửa khẩu sẽ phải quay lại cửa khẩu mình đã xuất cảnh.
- Dù đã có giấy thông hành, vẫn nên mang dự phòng 4 ảnh 4x6cm và chứng minh thư.
- Trường hợp đề nghị cấp lại giấy thông hành do bị mất thì phải nộp kèm đơn trình báo về việc bị mất.
- Du lịch 2 tỉnh trên chỉ phù hợp với các bạn muốn đi Trung Quốc trong thời gian ngắn. Nếu muốn đi sâu vào lãnh thổ Trung Quốc, công dân Việt Nam sẽ được yêu cầu cần visa Trung Quốc.
- Trước khi đi du lịch hoặc công tác, hãy kiểm tra ngày hết hạn của giấy thông hành. Nếu giấy thông hành của bạn đã hết hạn hoặc sắp hết hạn trong thời gian gần, bạn cần làm mới nó trước khi đi.
Đừng quên sử dụng ngay dịch vụ làm giấy thông hành đi Trung Quốc nếu có nhu cầu nhé! Chúc bạn sẽ sớm làm được sổ thông hành thành công!!!