Tháng 10 có rất nhiều những ngày lễ và ngày kỷ niệm lớn với những sự kiện trọng đại, ý nghĩa. Vậy bạn đã biết ngày 10/10 là ngày đặc biệt gì đối với dân tộc ta hay không ? Hãy cùng Văn Phòng Xanh tìm hiểu ngay thôi nhé!
Ngày 10/10/1954 – 10/10/2022 là kỷ niệm 68 năm Thủ đô ngày Giải phóng, đánh dấu mốc son lớn cho lịch sử dân tộc Việt Nam: Thủ đô Hà Nội chính thức được giải phóng.
Bối cảnh lịch sử ngày Giải phóng Thủ đô
Vào năm 1954, ngay sau chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết và lệnh đình chiến ở Đông Dương có hiệu lực. Nhờ quá trình đấu tranh sôi nổi, vào ngày 30/09/1954 và ngày 02/10/1954 tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương, Hội đồng Chính phủ, Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội được thành lập và chính thức tiếp quản thành phố Hà Nội theo nghị quyết ngày 17/09/1954.
Lính Pháp rút khỏi Hà Nội
Tuy nhiên, các đơn vị vào tiếp quản Hà Nội vẫn phải hết sức cảnh giác với các âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại. Vào sáng ngày 08/10/1954 các đơn vị quân đội ta chia nhiều đường bắt đầu tiến vào ngoại thành Hà Nội. Sau đó đến ngày hôm sau, quân ta đã tiến vào nội thành Hà Nội và tỏa đi khắp nơi.
Quân ta tiến vào Thủ Đô
Lần lượt quân ta tiếp quản được nhà Ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, phủ Thống sứ. Sau khi quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội. Trong không khí hân hoan chào mừng giải phóng, cờ đỏ sao vàng treo khắp nơi cùng niềm vui tột cùng của quân và dân ta sau nhiều năm đấu tranh giành lại thủ đô.
Sáng ngày 10-10-1954, đoàn xe đầu tiên diễu hành do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng dẫn đầu cùng nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề, mang cờ, hoa, ảnh Bác Hồ, xếp thành đội ngũ trật tự kéo theo đoàn xe.
Chiến sĩ Cụ Hồ trên đường phố Hà Nội
Sau đó, bộ đội ta diễu binh qua a các phố Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… và tiến vào Cửa Đông Thành phố Hà Nội. Đoàn diễu hành tiếp tục đi qua Bạch Mai, phố Huế, Hồ Gươm, Bờ Hồ, chợ Đồng Xuân và tiến vào thành lúc 10 giờ 45 phút.
Cùng với những tiếng reo hò và niềm vui khôn xiết của nhân dân thủ đô, vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954, hàng trăm nghìn người dân dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ đã trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.
Quân và dân ta hân hoan ngày Giải phóng Thủ đô
Ý nghĩa lịch sử Thủ đô ngày Giải phóng
Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội có thể nói là cột mốc quan trọng khi miền Bắc Việt Nam đã hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân. Với cả nước ta, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy nhân dân đang làm chủ vận mệnh của mình và đất nước, phấn khởi bắt tay vào xây dựng xã hội mới.
Ý nghĩa lịch sử ngày Giải phóng Thủ đô
Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội cũng trở thành dấu son vàng trong hành trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới hết sức vẻ vang của nước ta.
Những lời chúc và bài thơ hay về Thủ đô ngày Giải phóng 10/10
Những lời chúc ngày Thủ đô Giải phóng 10/10
Những lời chúc ngày Giải phóng Thủ đô 10/10
- Nhân ngày giải phóng thủ đô 10-10, Kính chúc đồng đội, thân nhân, gia đình, đồng đội và thân nhân gia đình liệt sĩ trên cả nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc.
- Chúc mừng những cựu chiến binh đã mang lại niềm vui chiến thắng, giải phóng thủ đô! Tưởng nhớ những chiến sĩ đã ngã xuống để có ngày chiến thắng 10/10 của dân tộc!
- Xin dâng những bông hoa đẹp nhất và gửi những lời chúc tốt lành nhất tới các cụ Cựu chiến binh đã chiến đấu vì ngày giải phóng thủ đô. Và cũng xin thắp một nén hương cho những chiến sĩ đã ngã xuống trên chiến trường miền Nam, vì hòa bình thống nhất của Tổ Quốc.
- Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi. Chúc toàn thể mọi người có một ngày vui vẻ.
- Chúc mừng ngày giải phóng thủ đô 10-10. Mãi mãi không quên chiến công của cha anh những người đổ máu vì độc lập và thống nhất đất nước.
Những bài thơ ngày Giải phóng Thủ đô 10/10
Bài thơ: Ngày về
Tác giả: Nguyễn Đình Thi
Hà Nội chiều nay mưa tầm tã
Ta lại về đây với phố xưa
Nước Hồ Gươm sao xanh dịu quá
Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa
Ta nhìn hai mắt ta nhìn mã
Lòng ta như lửa đốt dầu sôi
Nằm lại những chân rừng đầu núi
Hôm nay bao đồng chí đâu rồi
Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt
Leng keng chuông xe điện đổ hồi
Lòng ta bỗng như dòng suối mát
Ta đã về đây, Hà Nội ơi!
Em Hà Nội má em ửng đỏ
Áo hoa em cất tự bao giờ
Góc phố bờ tường bao máu đổ
Còn tươi nguyên như những lá cờ
Từ khắp 4 phương trời lửa đạn
Đàn con về sau những năm xa
Cởi súng gạt mồ hôi trên trán
Ta lại xây Hà Nội của ta.
Bài thơ: Cảm xúc Tháng 10
Tác giả: Tạ Hữu Yên
Không thể nói trời không trong hơn
Và mắt em xanh khác ngày thường
Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy
Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường
Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt
Xốn xang mẹ thường gọi các con
Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ
Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn
Đêm, cái đêm rút quân qua gầm cầu
Anh, anh đã hẹn ngày mai trở lại
Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi
Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca
Một sớm thu trong đất thắm sao vàng
Năm cửa ô xòe năm cánh rộng
Đoàn quân về nhấp nhô như sóng
Những ngôi nhà dường muốn cao thêm
Tháng Mười ấy là khúc ca say
Khúc ca mở những chiến công đầy
Ôi Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội
Nghìn năm vẫn một trái tim này.
Bài thơ: Hà Nội yêu dấu
Tác giả: Thái Hưng
Ai về Hà Nội xa xôi,
Xin cho nhắn gửi giùm tôi đôi lời.
Thăng Long mến mộ muôn đời,
Hồng Hà, Yên Phụ của thời tuổi thơ.
Những chiều hè đẹp như mơ,
Hồ Gươm phượng đỏ nguồn thơ chúng mình.
Thu sang vàng thắm duyên tình,
Cổ Ngư sánh bước bóng hình song đôi.
Từ ngày xa cách chia phôi,
Kẻ Nam người Bắc thương ôi não nề.
Lòng luôn khao khát ngày về,
Viễn du khắp xứ đam mê sông hồ.
Ra đi xây đắp cơ đồ,
Tìm tòi học hỏi cơ hồ giúp dân.
Đời người như thể phù vân,
Làm sao cho xứng con dân Lạc Hồng?
Thân trai thỏa chí tang bồng,
Vẻ vang Nước Việt, con Rồng cháu Tiên.
Con tim nhỏ máu lòng điên,
Tình quê lưu luyến, triền miên thương sầu.
Tóc xanh nay đã bạc màu,
Hội Lim, Kinh Bắc, sông Cầu làng xưa.*
Nhớ thương mắt lệ thu mưa,
Tuổi ngoài tám chục, ai đưa bây giờ?
Trời Thu lành lạnh sương mờ,
Tình thơ gửi gió và nhờ mây đưa.
Ngoài song lá rụng như mưa,
Lòng luôn nhớ bạn trường xưa thuở nào.
Thu sang càng nhớ dạt dào,
Hồ Gươm, Thê Húc, hàng Đào, hàng Ngang.
Tràng Tiền dạo phố thênh thang.
Hàng Đường, hàng Mã, bày “Hàng Trung Thu”.
Nhớ ngày kháng chiến biên khu,
Lạng Sơn, Bắc Kạn âm u sương mờ.
Thủ Đô giải phóng mong chờ,
Ngày về thả bộ quanh bờ Hồ Gươm.
Lòng bi thiết thổn thức nhớ thương,
Mơ ngày trở lại quê hương huy hoàng.
Trời xanh, mây trắng, nắng vàng,
Mùa Thu quê Mẹ xóm làng vinh quang.
Các bài hát hào hùng nhất về ngày Giải phóng Thủ đô 10/10
Sau đây là một số bài hát về ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 bạn có thể tham khảo:
Tiến về Hà Nội (Sáng tác: Văn Cao)
Tiến về Hà Nội
Ca khúc là bức tranh hào hùng thể hiện khí thế của quân dân ta về nỗ lực kháng chiến giải phóng thủ đô. Tuy được ra đời vào năm 1949 thế nhưng, bài hát như một lời báo hiệu cho chiến thắng không xa. Cùng với niềm vui khôn xiết ngày giải phóng, ca khúc với khí thế hiên ngang được cất lên trong ngày vui của nhân dân thủ đô và cả nước.
Hà Nội giải phóng (Sáng tác: Nguyễn Văn Quỳ)
Hà Nội giải phóng
Hà Nội giải phóng là một ca khúc được chỉ thị sáng tác dành riêng cho ngày Giải phóng Thủ đô. Ca khúc đã được cất lên tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bởi dàn đồng ca của Thành đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội, hòa trong niềm hân hoan thắng lợi và đánh dấu mốc son chói lọi của Thủ đô.
Quê tôi giải phóng (Sáng tác: Văn Chung)
Quê tôi giải phóng
Bài hát được nhạc sĩ Văn Chung để tặng các chiến sĩ Đại đoàn 308 nhân ngày quân dân ta được tiếp quản Thủ đô. Mang niềm vui phơi phới trong từng câu hát, “Quê tôi giải phóng” cất lên những giai điệu vui tươi, lạc quan, mong đợi một cuộc sống tự do ở phía trước.
Nhân ngày Giải phóng Thủ đô mà Văn Phòng Xanh muốn gửi đến bạn lời chúc, mong rằng bạn và gia đình sẽ có một ngày lễ thật ý nghĩa cùng kỷ niệm những chiến thắng chói lọi của dân tộc Việt Nam ta.
Có thể bạn quan tâm :